Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ bị “chặt chém” khi đi du lịch? Đó là câu hỏi mà nhiều người còn chưa nghĩ tới hoặc có những người đã đặt ra nhưng chưa tìm thấy giải pháp.
Khi du khách chưa từng bị “chặt chém” thì rất khó để du khách nghĩ đến các biện pháp đề phòng. Nhiều người đã phải trả giá “cắt cổ” cho dịch vụ họ mua sắm/tiêu dùng nhưng vẫn chủ quan. Để tránh tình trạng bị “chém đẹp” rồi mới rút kinh nghiệm cho chuyến đi tiếp theo, mời các du khách tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây:
1 - Tìm hiểu thông tin về nơi sắp đến.
Trước mỗi chuyến đi, du khách nên tìm hiểu kỹ thông tin về địa phương, đất nước mình sắp đến để có kế hoạch chi tiết. Cụ thể, du khách sẽ nghỉ ngơi tại đâu, di chuyển ra sao, ăn uống các bữa chính và phụ như thế nào, giá cả tại đó đắt đỏ hay rẻ hơn so với nơi du khách đang sinh sống,… Từ đó, du khách sẽ chủ động hơn trong chuyên đi và không gặp phải phiền toái ngoài mong muốn.
2 - Học hỏi kinh nghiệm
Các diễn dàn về du lịch nói riêng và trang mạng xã hội nói chung đều có thể chia sẻ cho du khách những kinh nghiệm quý báu để tránh bị "chặt chém" khi đến một điểm du lịch nào đó. Du khách cần tránh xa những "điểm đen" lịch sử hoặc học một vài "bí kíp" để ứng phó trong tình huống bị dân bản xứ "ép giá".
3 - Lưu ý khi đi Taxi.
Taxi là phương tiện được sử dụng khá nhiều tại các thành phố lớn và các khi du lịch. Tuy nhiên không phải hãng taxi nào cũng uy tín và bác tài xế nào cũng đều thân thiện. Du khách nên chọn sử dụng hãng taxi có tên tuổi, và tuyệt đối không đi taxi dù. Du khách cũng nên chuẩn bị sẵn bản đồ hoặc sử dụng GPS để kiểm tra quãng đường, tránh việc tài xế lái xe đi lòng vòng hòng “câu” tiền khách du lịch.
Đừng quên thỏa thuận giá trươc khi lên xe để tránh tình trạng bị ép giá khi tới nơi. Nếu cẩn thận hơn, du khách nên ghi lại biển số xe và thông tin của tài xế khi bước lên taxi. Trong trường hợp không hay xảy ra thì khách sạn hay hướng dẫn viên du lịch sẽ giúp du khách lấy lại được khoản tiền bị chặt chém.
4 - Lựa chọn dịch vụ công cộng thay vì tư nhân.
Để tiết kiệm chi phí và không sợ bị taxi chặt chém, thì du khách hãy lựa chọn các dịch vụ công cộng như đi xe buýt, tàu điện ngầm... thay cho taxi. Hoặc khi mua nước uống, hãy chọn các cửa hàng tiện lợi như 7elevent, Shop and Go… để mua. Chắc chắn với các dịch vụ công cộng và các cửa hàng bán đồ có niêm yết giá, bạn sẽ không lo bị chặt chém hay trả hớ tiền.
5 - Tìm đến sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi cần.
Nhiều khách du lịch khi gặp nạn chặt chém thường “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tâm lý ngại xô xát và muốn trả tiền rồi đi cho xong chuyện. Chính điều ấy đã gián tiếp khiến cho việc khách du lịch bị ép giá ngày càng phổ biến hơn. Để tránh tình trạng này, du khách nên ghi lại số điện thoại hay đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi du khách du lịch. Du khách sẽ cần đến sự giúp đỡ của họ, trong trường hợp bị chặt chém có thể dẫn đến các vụ ẩu đả, xô xát nghiêm trọng.
6 - Tìm hiểu và đặt phòng khách sạn.
Ở các địa điểm du lịch thì đến các ngày lễ hay các thời gian cả điểm, giá phòng khách sạn thường đội lên gấp 1,5-2 lần bình thường. Vậy nên, đặt phòng trước là một cách tiết kiệm giá du lịch của du khách tốt nhất.
7 - Tìm hiểu, thỏa thuận giá cả và đừng ngại mặc cả.
Du khách có thể dễ dàng tra cứu giá cả hàng hóa và dịch vụ của các khu du lịch bằng nhiều tiện ích trên điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân. Đồng thời đưa ra những so sánh, đánh giá lựa chọn tốt nhất.
Đối với những du khách đi riêng lẻ, trước khi mua bán, ăn uống, sử dụng hay xem ngắm đồ ở vùng du lịch cần mặc cả, hỏi rõ về chi phí. Như vậy để tránh tình trạng bị đưa vào tình huống "sự đã rồi" sẽ mất một khoản tiền lớn vì bị ép giá. Hãy hỏi rõ: "Cái này bao nhiêu tiền?", "Chụp ảnh cùng bức tượng này có mất tiền không?", hãy rút kinh nghiệm từ bài học xương máu từ những người đi trước nhé!
Đồng thời, mặc cả cũng là kỹ năng không thể thiếu khi mua sắm tại những khu du lịch, đừng nghĩ việc mặc cả là nhỏ nhen hay tính toán. Bởi thực tế cho thấy, những mặt hàng bày bán tại các khu du lịch thường bị người bán hét giá lên gấp 2 thậm chí gấp 5 lần. Cánh mày râu thường với tâm lý ngại mặc cả thường bị chèn ép ác liệt hơn chị em phụ nữ. Vì vậy nếu không tỉnh táo và biết trả giá du khách sẽ dễ dàng bị “lột” sạch túi tiền.
8 - Tránh những điểm du lịch quá nổi.
Tại những địa điểm này, giá cả vốn dĩ đã mắc sẵn rồi, thêm vào đó là sự tập trung của nhiều người coi khách du lịch như là những “chiếc ví đi bộ”. Nếu du khách đi du lịch theo cách dạo khắp nơi và mua hàng tại những điểm ngẫu nhiên thì cơ hội để bị tính giá cao sẽ giảm đáng kể.
9 - Mua hàng hay sử dụng dịch vụ có sẵn giá niêm yết.
Nếu như du khách nắm quyền chủ động hết từ trước, ví dụ biết được giá cả thông qua thẻ được gắn bên trên sản phẩm hay đến những nơi có sẵn bảng giá, du khách gần như nhận được mức giá của địa phương.
10 - So sánh giá cả ở các cửa hàng.
Nếu như du khách nhất định muốn mua một mặt hàng đắt đỏ tại địa phương nhưng lại không yêu cầu thời gian quá gấp, hãy thử so sánh giá cả giữa những nhà cung cấp khác nhau. Như vậy, rất có thể khả năng bị chặt chém của du khách sẽ được giảm xuống.
11 - Mua đặc sản tại làng nghề địa phương.
Trong chuyến du lịch, du khách hãy ghé vào các làng nghề địa phương để mua sắm các món đồ lưu niệm và tìm mua các sản vật tươi ngon. Khi mua tận gốc hàng hóa giá cả bao giờ cũng rẻ hơn, đồng thời du khách có cơ hội tìm hiểu về cách làm ra những món hàng độc đáo.
Mua hàng tại các trung tâm mua sắm trong khu du lịch thường khá đắt đỏ. Đồng thời, nếu du khách không phải người sành mua bán thì có thể mua phải hàng chất lượng không đảm bảo.
12 - Không sử dụng các dịch vụ trung gian.
Bất kỳ điểm tham quan, du lịch nào cũng có một lực lượng "cò mồi", dẫn dắt khách đến các điểm ăn uống, vui chơi để nhận hoa hồng từ chủ dịch vụ. Thông qua môi giới trung gian khiến du khách bị mất một khoản chi phí "oan uổng". Vì vậy, đừng dại dột để những lời mời chào, chèo kéo của "cò" thuyết phục. Hãy dứt khoát nói "Không" với "cò".
13 - Nhận biết những dấu hiệu ở những quán ăn, nhà hàng "chặt chém"
Ở những điểm thu hút khách du lịch, du khách khó tránh khỏi việc bị rơi vào bẫy “chặt chém” hay thức ăn, phục vụ kém chất lượng của một vài nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, du khách có thể tự bảo vệ hầu bao của mình qua việc nhận biết những dấu hiệu sau:
Nhân viên quán đặt thực đơn xuống trước mặt thực khách và bỏ đi. Trong trường hợp này, đừng ngần ngại đứng lên và đi ra khỏi quán, vì rõ ràng thái độ ấy không xứng đáng với số tiền du khách bỏ ra, dù là bao nhiêu đi chẳng nữa. Còn nếu họ chèo kéo bạn vào quán thì có nghĩa là chất lượng thức ăn của quán tệ đến nỗi không ai thèm ghé vào.
Hình ảnh minh họa trong thực đơn: Nếu những hình ảnh minh họa trong thực đơn bị nhòe hoặc trông không hề hấp dẫn thì du khách cũng đừng mong đợi một món ăn nóng hổi, ngon lành được dọn ra nhé!
Thực đơn đặc biệt dành cho du khách: Mang tiếng là đặc biệt nhưng những thực đơn này thật ra chẳng có gì khác so với thực đơn bình thường, có chăng chỉ là giá "chát" hơn thôi. Không có bất cứ món ăn nào đặc sắc và các nguyên liệu có thể đã cũ, không còn tươi ngon nữa. Và cuối cùng, thực khách sẽ phải trả gấp đôi giá gốc cho những món ăn như thế.
Những tập thực đơn in sẵn: Kiểu thực đơn này là cách đơn giản nhất để nhà hàng “chứng tỏ” rằng họ chỉ phục vụ quanh quẩn vài món suốt cả năm và có khi là năm này qua năm nọ - thay vì sử dụng một quyển thực đơn có nhiều trang nhựa để dễ dàng lồng trang giấy mới vào nếu có sự thay đổi về nội dung.
Thực đơn “tả pí lù”: Ở các quốc gia châu Á, du khách rất dễ bắt gặp loại thực đơn kiểu cố gắng “nhồi nhét” đủ các món ăn từ Ý, Mĩ, Đức, Hoa, Hàn… vào một thực đơn. Nếu nhà hàng đủ sức “gồng gánh” chừng ấy món, du khách nghĩ chúng có thật sự ngon? Chắc chắn là không. Nếu gặp kiểu thực đơn này, du khách nên nhớ đên câu thành ngữ: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
Nhà hàng phong cách quái lạ: Nếu muốn chụp những kiểu ảnh lung linh, du khách hãy vào đây. Còn nếu muốn thưởng thức món ngon bản địa thì nơi đây chắc chắn không thể phục vụ cho du khách. Những người chủ đã chi một khoản tiền lớn cho phần trang trí của nhà hàng để thu hút thị hiếu khách du lịch, vậy khoản nào sẽ dùng để đầu tư cho chất lượng thức ăn?
14 - Chọn món trên thực đơn có giá niêm yết.
Khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, du khách nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết cụ thể trước. Với những nơi không ghi rõ giá, du khách nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều.
Những nơi làm ăn tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Nhiều nơi cố tình “lập lờ đánh lận con đen” sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước. Khách hàng kỹ tính hỏi, họ sẽ nói rõ giá. Còn khách dễ tính sẽ rơi vô trường hợp bị chặt chém.
15 - Xem kĩ hóa đơn.
Đừng quá tin tưởng vào hóa đơn của các nhà hàng, bởi không phải ai cũng thật thà. Đặc biệt du khách nên cảnh giác với những dịch vụ ăn uống. Các chủ hàng thường cho rằng, với lượng khách ăn đông cùng danh sách dài các món khác nhau, khách du lịch sẽ không thể nhớ hết được số lượng và giá cả từng món như thế nào. Rất có thể hóa đơn của du khách sẽ bị “khai khống” thêm vài món. Vì vậy, để tránh mất tiền oan, đừng quên rà soát lại một lượt hóa đơn trước khi thanh toán.
16 - Kết thân với người bản xứ.
Nếu du khách có người thân hay bạn bè sống tại nơi du khách sẽ đến du lịch thì quá tuyệt vời, bởi du khách sẽ không phải lo sẽ bị chèn ép khi đi với họ. Tuy nhiên nếu không có thì du khách hãy chủ động làm quen và nhờ sự giúp đỡ của chủ khách sạn, hay tài xế… để được tư vấn những nơi nên đến hoặc cần phải tránh, cách mua bán và trả giá hoặc nhờ họ đi cùng khi mua sắm.
Hãy quan sát cách người bản xứ lựa đồ và trả giá để biết cách, chứ không nên vội vàng mua hàng ngay. Một lưu ý nhỏ là du khách đừng thể hiện mình là khách du lịch bởi nó sẽ khiến du khách bị chú ý và trở thành “nạn nhân” để người bán tha hồ chặt chém.
17 - Chứng tỏ mình hiểu biết, thân thiện, tự nhiên như người bản xứ.
Thay vì xa lạ như một khách du lịch, hãy gần gũi, thân thiện, cởi mở và tỏ ra là người hiểu biết như người bản xứ. Điều này sẽ giúp bạn du khách tránh được nạn chặt chém.
Trước khi xách ba lô lên và đi, hãy tìm hiểu kỹ càng về lịch sử, văn hóa, những nét đặc trưng vùng miền, thậm chí học nói tiếng địa phương. Ngoài ra, ghi nhớ các tuyến đường trung tâm, những điểm đến nổi bật và khoảng cách di chuyển sẽ giúp du khách hạn chế tình trạng bị "làm giá" khi sử dụng phương tiện đi lại.
Trên đây là một số bí quyết tránh bị "chặt chém" khi đi du lịch mà Viet Viet Tourism xin chia sẻ với các du khách. Hãy thử nghiệm ngay nó cho chuyển du lịch sắp tới của mình nhé!