Đây là Hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ khi kết thúc nền quân chủ lập hiến tuyệt đối vào năm 1932. Giới chỉ trích nói Hiến pháp mới vẫn trao quyền hạn rộng rãi cho các tướng lãnh, cho họ có một tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề chính trị Thái Lan trong nhiều năm, nêu không muốn nói là nhiều thập niên tới.
Những thay đổi mới nhất được công bố lần đầu khi văn bản Hiến pháp được đăng trên tờ báo Hoàng gia và trở thành luật, Hiến pháp còn vạch rõ quyền hạn của nhà vua trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, theo giới phân tích.
Cử tri Thái Lan đã chấp thuận phác thảo của Hiến pháp mới trong một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 7/8/2016, nhưng Cung điện Hoàng gia đã yêu cầu một số thay đổi hồi tháng Giêng năm 2017 lúc Vua Vajiralongkorn thừa kế ngai vàng sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej băng hà, sau 7 thập niên trên ngai vàng Thái Lan.
Một thay đổi cho phép nhà vua du hành ra nước ngoài mà không cần chỉ định quan nhiếp chính. Mấy năm gần đây, vua Vajiralongkorn cư ngụ tại Đức, nơi hoàng tử theo học. Một thay đổi khác là xoá bỏ một điều khoản trao quyền cho toà hiến pháp và các định chế khác trong trường hợp có khủng hoảng. Xoá bỏ điều khoản này nhấn mạnh vai trò của nhà vua.
Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Kan Yuenyong, Giám Đốc điều hành think-tank “Đơn vị Tình báo Siam”, nói rằng trên thực tế, nhà vua sẽ có nhiều quyền hạn và có tiếng nói lớn hơn.
Sau khi ký vào bản Hiến pháp, Quốc vương Thái Lan đã trao văn kiện này cho Thủ tướng Prayut Chan-ocha đại diện cho Chính phủ. Một đại diện của Hoàng gia Thái Lan đã tuyên đọc thông báo về việc ban hành Hiến pháp mới, sau đó các quân chủng hải lục không quân đã lần lượt bắn 21 phát đại bác chào mừng./.